Chiều 08/7/2024, trong khuôn khổ chương trình đối thoại chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần thứ hai năm 2024, ĐHQGHN đã vinh danh và khen thưởng PGS.TS Trần Mạnh Trí - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt, ông là một trong hai nhà khoa học xuất sắc nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.
Để ghi nhận và động viên những đóng góp của PGS.TS Trần Mạnh Trí, đồng thời cũng là cơ hội để vinh danh tấm gương nhà khoa học thể hiện sự cống hiến, đam mê, hy sinh và trân trọng đối với khoa học, ngày 18/6/2024, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 2676/QĐ-ĐHQGHN về việc tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.
PGS.TS Trần Mạnh Trí là tác giả của cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen - góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp. Đến thời điểm này, PGS.TS Trần Mạnh Trí là nhà khoa học ngành Hóa học đã công bố hơn 40 công trình chuyên ngành đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Các công trình của nhà khoa học Trần Mạnh Trí, ngoài việc công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF cao, chỉ số trắc lượng của riêng của bài báo (article metrics) cũng rất ấn tượng. Theo phân tích của Scopus, bài báo này thuộc top phân vị (percentile) 7% thế giới về trích dẫn so với các nghiên cứu cùng lĩnh vực. Còn theo phân tích của Web of Science, công trình đã được các nhà khoa học trên thế giới trích dẫn để thảo luận và dẫn chiếu cho các nghiên cứu của họ, chứ không chỉ trích dẫn có tính chất liệt kê thông thường.
Phát biểu tại lễ vinh danh, PGS.TS Trần Mạnh Trí bày tỏ vui mừng và vinh dự được Giám đốc ĐHQGHN trao tặng Bằng khen vì những nỗ lực và thành tích của ông trong thời gian qua. Với ông, đây là phần thưởng động viên, khích lệ rất kịp thời cũng như thể hiện sự quan tâm sát sao của Ban Giám đốc với sự nghiệp phát triển KH&CN và tập thể các nhà khoa học đang công tác tại ĐHQGHN.
Không giấu được niềm hạnh phúc, niềm tự hào khi là nhà khoa học đại diện cho hàng trăm nhà khoa học của ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung được nhận Giải thưởng cao quý này, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ: Đây là niềm vinh dự cho cá nhân tôi, gia đình, đặc biệt cho ngôi trường nơi tôi gắn bó từ ngày đầu vào đại học – đó là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. May mắn được học tập và nghiên cứu trong một môi trường học thuật hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ giáo sư, nhà khoa học giỏi luôn tận tình hướng dẫn và truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho tôi. Hơn nữa, tôi cũng biết ơn ĐHQGHN, bởi ban lãnh đạo ĐHQGHN đã có những chính sách tốt, kịp thời khích lệ và tạo điều kiện nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học.
“Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN - nơi tôi đã gắn bó trong suốt 24 năm qua kể từ khi còn là cậu sinh viên từ tỉnh nghèo miền núi xuống Thủ đô trọ học, sau đó là tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ cũng tại chính ngôi trường này. Có thể nói tôi là sản phẩm “nội địa” 100% của ĐHQGHN” - PGS. Trần Mạnh Trí xúc động bày tỏ.
Chia sẻ về làm khoa học, PGS Trần Mạnh Trí cho biết thêm, công việc của nhà khoa học gắn với việc nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và học cách chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu để trưởng thành và làm được nhiều việc hơn, trong suốt quá trình đó sẽ tích lũy được kinh nghiệm của bản thân.
Mặc dù trong quá trình làm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu thực nghiệm chuyên ngành hóa học, bản thân nhà khoa học sẽ gặp vô vàn khó khăn, thử thách, thậm chí việc thất bại là câu chuyện thường lệ. Nếu nhà khoa học không nghị lực, tận hiến, nuôi dưỡng đam mê thì dễ bị nản chí. “Có lẽ thành công của tôi hôm nay là sự biết ơn tới nhà trường, gia đình và ĐHQGHN, đã luôn tạo điều kiện tốt nhất về cả tài chính, thời gian và truyền nhiệt huyết cho tôi trong suốt quá trình nghiên cứu để tôi được sống và theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học của mình” - PGS. TS Trần Mạnh Trí chia sẻ.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân gửi lời chúc mừng PGS.TS Trần Mạnh Trí, đồng thời mong muốn ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp KH&CN của ĐHQGHN nói riêng và nền khoa học nước nhà nói chung.
Giám đốc Lê Quân khẳng định, ĐHQGHN có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà khoa học. Sứ mệnh của ĐHQGHN là phát triển các ngành khoa học cơ bản, đào tạo sau đại học, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đây là sứ mệnh và trọng trách quan trọng của ĐHQGHN đối với sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà trong thời gian tới.
Giám đốc nhấn mạnh, các nguồn lực ưu tiên của ĐHQGHN trong thời gian tới sẽ tập trung và hoạt động khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao; đầu tư trực tiếp cho các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm và các nhà khoa học xuất sắc.
Trước đó, ngày 15/5, Bộ Khoa học & Công nghệ đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024. Giải thưởng năm nay được trao cho 2 nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam là: PGS.TS Trần Mạnh Trí, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Đây là năm thứ 5 ĐHQGHN có nhà khoa học được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu. Chủ nhận các giải thưởng Tạ Quang Bửu trước đó là: GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (năm 2014), GS.TSKH Đinh Dũng - Viện Công nghệ thông tin (năm 2015), PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (năm 2016), TS. Đỗ Quốc Tuấn - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (năm 2018). Đến nay, ĐHQGHN có 56 giải thưởng KH&CN, trong đó, có 18 giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 giải thưởng Nhà nước, 03 giải thưởng quốc tế, 05 giải thưởng Tạ Quang Bửu và 17 giải thưởng khác.