Công nghệ in 3D dựa trên dữ liệu - Hợp tác nghiên cứu liên ngành

Tin tức 21/04/2023
Đó cũng là chủ đề của Bài giảng đại chúng được Câu lạc bộ Nhà Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL) phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức chiều ngày 11/4/2023. Tham dự sự kiện có PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, TS. Trịnh Thúy Giang - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Phó Trưởng ban Điều hành CLB Nhà Khoa học ĐHQGHN, PGS.TS Trần Phương - Điều phối viên quốc tế mạng lưới các nhà khoa học lĩnh vực khoa học vật liệu tiên tiến, dự án PHER  và gần 150 người tham dự theo hình thức hybrid (online & onsite).
Trong bài giảng của mình, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Trường ĐH Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng khoa học - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Chủ tịch Hội chuyên ngành Cơ học tính toán Việt Nam) đã cho công chúng một cái nhìn tổng quát về dễ hiểu về lịch sử ra đời của công nghệ in 3D, các kỹ thuật in 3D hiện nay đang được sử dụng, thị trường tổng hợp của in 3D trên thế giới, đồng thời một triết lý của giáo sư về quá trình phát triển kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực in 3D. Triết lý này của giáo sư Hùng là một mối liên kết động bao gồm năm bước: (i) Vấn đề thực tế, (ii) cấu trúc 3D tối ưu, (iii) tiền xử lý cấu trúc, (iv) in 3D, và (v) dựng nguyên mẫu, trong đó vẫn còn tồn tại một khoảng cách giữa nguyên mẫu và vấn đề thực tế đòi hỏi người làm công nghệ in 3D cần phải nỗ lực hơn nữa.
Qua nhiều ví dụ cũng như các hình ảnh trực quan sinh động trong bài giảng đại chúng, Giáo sư Hùng đã trình bày những đóng góp của mình trong trong công nghệ in 3D, những hợp tác với các nhóm nghiên cứu thực nghiệm trong việc ứng dụng các kết quả của mình, đặc biệt là những tính toán dựa trên dữ liệu và ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Giáo sư cũng đưa ra một bức tranh tổng hợp về mối quan hệ liên ngành trong công nghệ in 3D, tại đó một ngành cụ thể không thể đưa ra giải pháp tốt nhất cho khách hàng được. Mối quan hệ liên ngành không chỉ là giữa tính toán trên dữ liệu và thực nghiệm chế tạo, mà còn giữa  toán học, khoa học máy tính, vật lý, khoa học vật liệu và kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ khí.
Giáo sư Hùng trình bày quá trình phát triển Trung tâm nghiên cứu của mình, và biến chuyển dần dần từ những kiến thức nghiên cứu hàn lâm sang các ứng dụng cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế xuất phát từ những yêu cầu của khách hàng và tổ chức bên ngoài nhóm nghiên cứu, giáo sư đã vạch ra một lộ trình phát triển cho công nghệ in 3D mà mình đang đóng góp, trong đó hàm lượng nghiên cứu giảm dần và hàm lượng phát triển tăng dần. Giáo sư mong muốn xây dựng một nền tảng cho phép cộng đồng xã hội có thể sử dụng công nghệ in 3D một cách dễ dàng mọi nơi mọi lúc, là một trong số các mục đích mà nhóm nghiên cứu của giáo sư Hùng nhắm tới.
Đại diện Ban Tổ chức, PGS.TS Lê Minh Hà cho biết, với mong muốn kết nối các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với những nghiên cứu của mình đến gần hơn với công chúng, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng như Câu lạc bộ Nhà Khoa học ĐHQGHN thường xuyên tổ chức các buổi Talk, diễn đàn, seminar khoa học, là nơi các nhà khoa học thỏa sức chia sẻ những công bố, những thành tựu, những đam mê về nghiên cứu khoa học của mình của mình. Buổi bài giảng công chúng của giáo sư Nguyễn Xuân Hùng cùng với sự điều phối của PGS.TS Nguyễn Trần Thuật đã thu hút sự quan tâm, thảo luận sôi nổi từ những người tham dự, qua đó cũng đã kết nối, gợi mở ra các hướng nghiên cứu, hợp tác liên ngành từ các nhà khoa học tham dự sự kiện.
Khách mi tham d s kin đi thăm phòng Lab nghiên cu v công ngh in 3D đt ti tr s VIASM ca GS Nguyn Xuân Hùng.
 
Đôi nét về diễn giả: GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (H. Nguyen-Xuan) là Viện trưởng Viện Công nghệ nghiên cứu liên ngành CIRTech, Trường ĐH Công nghệ TP.Hồ Chí Minh và là Thành viên Hội đồng khoa học - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Chủ tịch Hội chuyên ngành Cơ học tính toán Việt Nam. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng (adjunct professor) tại Đại học Y khoa Tai Chung (Đài Loan) (từ 2015 đến nay) và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) (từ 2014 đến nay). Ông làm việc trong ban biên tập của Composite Structures, Computers & Structures, Engineering Fracture Mechanics, CMC: Computers, Materials & Continua và cũng là biên tập viên của CMES: Computer Modeling in Engineering & Sciences, biên tập viên chủ đề của Underground Space và là phó tổng biên tập của International Journal of Hydromechatronics.
 Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng nhận bằng Tiến sĩ về Cơ học tính toán của Đại học Liège (Bỉ) năm 2008. Nghiên cứu của ông tập trung vào các phương pháp tính toán tiên tiến trong kỹ thuật, mô hình học máy dựa trên dữ liệu và công nghệ in 3D. Ông đã xuất bản hơn 250 bài báo có phản biện, trên các tạp chí trong danh mục WoS. Các công trình xuất sắc này đã giúp ông nằm trong số 1% Nhà nghiên cứu được trích dẫn cao – Clarivate trong chín năm liên tục, từ 2014 đến 2021 trong hạng mục Khoa học máy tính và 2022 trong lĩnh vực liên ngành.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng đã giành được một số giải thưởng danh giá, tiêu biểu The Alexander von Humboldt Foundation Digital Cooperation Fellowship (2021), The Outstanding Humboldtian (2019), và The Georg Forster Research Award – Humboldt Foundation (2015). Ngoài ra, ông đã nhận được bằng khen của Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhiều năm liên tiếp (2008 – 2013), và Giải thưởng Nguyễn Văn Đạo (2011).
            Quý vị có thể xe lại link record bài giảng của Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng tại đây: https://youtu.be/BM9vvqEqzaw

 

Tin tức liên quan

Đăng ký tư vấn dịch vụ

Chào bạn. 👋 Hãy để lại thông tin của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ cho bạn trong thời gian sớm nhất.