Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024: Tăng cường chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam

Tin tức 21/06/2024
Ngày 20/6/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 (BCKTTN 2024) do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR),Trường Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức. Sự kiện được bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí kinh tế Việt Nam - VnEconomy.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tham dự hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ Ban ngành; đại diện một số đại sứ quán: Úc, Nga, Ý. …; đại diện trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí; các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách.

Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh là việc cấp bách tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết: Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh”, đây là một yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 sẽ là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận về bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024, tổng quan về một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 và xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Hội thảo sẽ là nơi quy tụ và đúc kết các kinh nghiệm, các nghiên cứu của mình và từ đó đưa ra các hàm ý khuyến nghị tổng thể đối với chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh và bền vững mà Việt Nam đang quan tâm.

Các báo cáo thường niên năm 2024 đều đề cập tới tình hình kinh tế Việt Nam của năm trước và thảo luận các xu hướng của năm tiếp theo, đặc biệt sẽ phân tích trọng tâm một chủ đề gắn với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

ĐHQGHN mong muốn các kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách ngắn hạn và dài hạn của các cơ quan Chính phủ. Đây cũng là mục tiêu của các nghiên cứu đang được thực hiện tại Trường Đại học Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Với các nhóm nghiên cứu mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nghiên cứu khách quan, độc lập, dựa trên bằng chứng của các nhà khoa học từ ĐHQGHN sẽ là những cơ sở hữu ích cho quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Kinh tế, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết thêm: Hội thảo sẽ trao đổi, gợi mở xoay quanh các vấn đề như các điểm nghẽn hiện tại trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam? Đâu là những điểm đang bất cập nhất chúng ta cần tập trung đánh giá?; Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, các nền kinh tế mới nổi, cộng đồng ASEAN khi giải quyết các điểm nghẽn đó thế nào?; Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh thì cần những điều kiện ràng buộc phù hợp nào để có thể triển khai ngay được tại Việt Nam; Tư vấn tham mưu giúp cho chúng tôi giải pháp nào có thể triển khai áp dụng được cho từng giai đoạn cụ thể đặt trong bối cảnh kinh tế-xã hội tại Việt Nam?; Đâu là các điểm mới về giải pháp cần được công bố, chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách trong nước?; Cũng mong các diễn giả chia sẻ thêm cách thức bảo vệ quyền lợi và lợi ích các bên khi tham gia vào sự phát triển bền vững của chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh tại Việt Nam.

Đại diện nhà tài trợ, GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện FNF Vietnam bày tỏ: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 đánh dấu 16 năm hình thành và phát triển. Báo cáo năm nay với chủ đề “Chuyển đổi năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” hoàn toàn phù hợp với những thách thức sắp tới của Việt Nam khi nước này đặt mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2045. Trong khi trong những thế kỷ qua, tỷ lệ thiên tai nghiêm trọng và thương vong về người trên toàn cầu đã giảm, chúng ta không được phép trở nên tự mãn. Bảo vệ môi trường phải vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bất cứ ai đã sống hoặc đến thăm Việt Nam đều có thể chứng thực nhu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi xanh. Điều này bao gồm sản xuất năng lượng sạch, xử lý chất thải thân thiện với môi trường, xử lý nước thải, giảm rác thải nhựa và tạo ra các thành phố thông minh, đáng sống hơn. Trong những năm gần đây, FNF Việt Nam đặc biệt tích cực trong lĩnh vực thành phố thông minh, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Tăng trưởng xanh sẽ là yếu tố quyết định cho tương lai. Ví dụ, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các đập ở thượng nguồn ngăn cản tưới tiêu cho đồng bằng. Điều này đặt ra một thách thức môi trường đáng kể.

Hơn nữa, điều quan trọng là Việt Nam phải đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác, có tính đến các thách thức địa chiến lược. Việc xây dựng các đối tác thương mại đa dạng, bao gồm cả Đức và EU, là rất quan trọng. Việc tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường mới. Sự đa dạng hóa này, đặc biệt trong bối cảnh quản lý rủi ro, bảo vệ môi trường và tính bền vững được cải thiện, là điều cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam và các công ty riêng lẻ. Doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và thương mại xanh. Điều này bao gồm việc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu ngày càng tăng của các đối tác thương mại và người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thị trường châu Âu có nhu cầu cao về sản phẩm xanh.

Mục đích của báo cáo năm 2024 của chúng tôi là nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa một bên là UEB/VNU, VEPR và FNF và một bên là các chuyên gia hoạch định chính sách và giới truyền thông. Chúng tôi mong muốn đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho đảng, nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Tại hội thảo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế đã trao tặng sách cho các tác giả Báo cáo Kinh tế Thường niên 2023.


Kiến nghị nhiều giải pháp hữu ích hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam

Báo cáo thường niên năm nay, tập trung vào các nội dung trao đổi và bàn luận tới bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024, tổng quan về một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 và xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu; Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024: về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, các thị trường tiền tệ, tín dụng, tài chính, lao động và năng lượng; Đánh giá mối quan hệ giữa chuyển dịch năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế: tác động của chuyển dịch năng lượng tái táo tới tăng trưởng kinh tế như GDP, tỷ lệ việc làm và sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở các quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc về chuyển dịch năng lượng tái tạo và đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Tự do hóa thị trường bán điện trực tiếp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: đưa lý thuyết và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thị trường mua bán điện cạnh tranh trực tiếp (PDDA) áp dụng trong điện mặt trời mái nhà, nêu lên rào cản và khó khăn khi áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với điện mái nhà tại các khu công nghiệp, từ đó đề xuất chính sách để thực hiện và áp dụng cơ chế mua bán điện cạnh tranh và trực tiếp tại các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuát khẩu xanh.

Các chuyên gia, phản biện tham gia thảo luận các nội dung của báo cáo, gồm các ý kiến phản biện các đại biểu là các chuyên gia kinh tế, học giả trong và ngoài nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách đã tham gia hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho biết, báo cáo thường niên năm 2024 các chuyên gia đã đưa ra một số kết luận quan trọng nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu chia sẻ trong thời gian ngắn hạn tới đây, Việt Nam để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024, cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo  các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Ngoài ra, cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài. Tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp.

Cùng với đó cần đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung. Thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng (nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính…)

PGS.TS Nguyễn Anh Thu cũng nhấn mạnh những giải pháp trung, dài hạn Việt Nam cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo. Cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Bố trí nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động trong kế hoạch chi tiêu ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm (kể cả các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế) nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó nghiên cứu hoàn thiện mô hình phát triển nhà ở xã hội để khắc phục những hạn chế  hiện nay. Thành lập doanh nghiệp nhà nước chuyên thực hiện phát triển nhà ở xã hội (đầu tư, quản lý nhà ở xã hội). Phát triển nhà ở xã hội ngoài mục tiêu chính là hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, còn có vai trò quan trọng trong hỗ trợ cân bằng thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và việc giao thị trường, nhất là khu vực tư nhân sẽ khó đảm bảo mục tiêu xã hội do tính thương mại và khó khăn trong triển khai dự án đầu tư và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn vận hành.

Ngoài ra cũng cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; Tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy...); cải thiện môi trường kinh doanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công). Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao hội thảo báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024, báo cáo có nhiều giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao, đồng thời báo cáo đã có những nội dung mới trúng, phù hợp với chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Mong muốn báo cáo trong thời gian tới có những chủ đề chi tiết hơn, cần mở rộng thêm các chuyên gia trẻ trong và ngoài nước để tạo nên nhiều thể chế chính sách quan trọng góp phần phát triển bền vững kinh tế Việt Nam.
 

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã liên tục xuất bản và công bố trong 16 năm qua, tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 năm nay do TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách là chủ biên, đã quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các Viện nghiên cứu và Trường đại học tham gia. Báo cáo đã nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều  chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.

 

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Trường không ngừng nâng cao chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khác nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

Trường đã và đang khẳng định được vị trí trong nước cũng như trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Trên bình diện quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu, đóng góp chính vào thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội tại các Bảng xếp hạng uy tín thế giới:

Top 501-600 của Times Higher Education (THE) trong lĩnh vực Kinh tế & Kinh doanh (Economics & Business);

Top 501-550 của Quacquarelli Symonds (QS) trong lĩnh vực Kinh doanh và Khoa học quản lý (Business & Management Studies);

Top 451-500 QS Ranking 2024 thế giới trong lĩnh vực Kinh tế & Kinh tế lượng; và liên tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)

Là Viện nghiên cứu trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Mục tiêu của VEPR là thực hiện các nghiên cứu kinh tế và chính sách nhằm giúp nâng cao chất lượng ra quyết định của các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích, dựa trên sự thấu hiểu bản chất của những vận động kinh tế và quá trình điều hành chính sách vĩ mô ở Việt Nam. Hoạt động chính của VEPR bao gồm phân tích định lượng và định tính các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam và tác động của chúng tới các nhóm lợi ích; tổ chức các hội thảo đối thoại chính sách với mục đích tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng gặp gỡ, trao đổi nhằm đề xuất giải pháp cho các vấn đề chính sách quan trọng hiện hành; đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về kinh tế, tài chính và phân tích chính sách. VEPR mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan truyền thông, đóng góp các kết quả nghiên cứu của mình vào dòng chảy chung của khoa học kinh tế và các tư vấn chính sách cụ thể tới các nhà quản lý.

(Trích từ VNU Media, Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2024: Tăng cường chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam)


Tin tức liên quan

Đăng ký tư vấn dịch vụ

Chào bạn. 👋 Hãy để lại thông tin của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ cho bạn trong thời gian sớm nhất.