Ngày 17/5/2022, CLB Nhà khoa học ĐHQGHN (VSL) đã tổ chức Hội thảo “Sinh vật biến đổi gen và cuộc sống” thu hút hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học và biến đổi gen. Đây là sự kiện chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Diễn giả của hội thảo là: GS.TS. Lê Huy Hàm - Trưởng Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN; GS.TS. Nông Văn Hải - Viện Nghiên cứu Hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Lân Dũng - Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN.
Sinh vật biến đổi gen (Genetically Modified Organism) là một thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX nhưng đến năm 1996 mới được coi là khởi đầu của kỷ nguyên sử dụng sinh vật biến đổi gen cho sản xuất nông nghiệp với 1 triệu hecta ngô biến đổi gen đầu tiên được trồng tại Hoa Kỳ. Đến nay, hàng tỷ hecta cây trồng biến đổi gen đã được trồng ở nhiều nước trên thế giới, hàng chục tỷ tấn lương thực đã được làm ra và tiêu thụ hàng năm.
Phó Chủ tịch CLB Nhà khoa học ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch VSL Trần Thị Thanh Tú cho biết, chủ đề của hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị thực tiễn, gắn với mọi mặt của đời sống xã hội khi mỗi đại biểu tham dự đều là một người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen.
Phó Chủ tịch Trần Thị Thanh Tú cho biết, công nghệ biến đổi gen vẫn đang được thảo luận một cách sôi nổi trên thế giới. Châu Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ gen vào sản xuất.
Hội thảo là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành với các nhà quản lý, người tiêu dùng để làm rõ những khái niệm, ứng dụng và tác động của công nghệ biến đổi gen đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Nội dung của hội thảo xoay quanh các vấn đề: Sự an toàn của cây trồng biến đổi gen và sản phẩm của chúng đối với sức khỏe con người, động vật; Ảnh hưởng của sản phẩm biến đổi gen với môi trường và đa dạng sinh học nhìn từ góc độ khoa học và quản lý; Mức độ thâm nhập của sản phẩm biến đổi gen vào chuỗi thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam.
GS.TS Lê Huy Hàm cho rằng, phát triển công nghệ biến đổi gen là giải pháp tất yếu giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản
Theo GS. Lê Huy Hàm, đến nay, diện tích cây trồng biến đổi gen đạt gần 3 tỷ hecta và chưa ghi nhận các trường hợp rủi ro do cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen gây ra. GS. Hàm cho biết thêm, Việt Nam xếp thứ 17 trong sản xuất ngô trên thế giới. Tuy nhiên, giống chưa theo kịp yêu cầu về chất lượng trong khi nhu cầu ngày càng lớn. GS. Hàm cho rằng, công nghệ biến đổi gen là giải pháp tăng sản lượng và chất lượng cây trồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.
GS.TS Nông Văn Hải chỉ ra một số phương pháp chuyển gen cũng như những nghiên cứu độc học và khả năng gây dị ứng của sinh vật biến đổi gen
Nhìn từ góc độ khoa học, GS. Nông Văn Hải lý giải, sinh vật biến đổi gen (cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật) là các sinh vật được cải biến di truyền bằng kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại. Trong đó, một hoặc một nhóm các gen chức năng được chủ động biến nạp vào hệ gen của sinh vật nhằm tạo ra một số đặc tính mới của sinh vật theo mong muốn của con người. Công nghệ chuyển gen là một giải pháp mới trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật phục vụ sản xuất và đời sống của con người. Việc chuyển gen sản xuất insulin vào vi khuẩn đã mở ra công nghiệp sản xuất insulin, đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới. GS. Hải cũng chỉ ra một số phương pháp chuyển gen hay sự an toàn của sản phẩm biến đổi gen trong sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu độc học và khả năng gây dị ứng…
GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh bước ngoặt của nền nông nghiệp Việt Nam với việc công nhận các giống ngô biến đổi gen
GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, sự kiện các cơ quan hữu quan của Việt Nam phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các giống ngô biến đổi gen là bước phát triển pháp lý quan trọng và cụ thể nhằm tiến tới mục tiêu thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất đại trà cây ngô biến đổi gen tại nước ta. Thực tế, việc ứng dụng cây ngô biến đổi gen có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm bớt sự lệ thuộc phải nhập khẩu nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ở nước ta, sản xuất ngô vẫn chiếm tỷ trọng khiếm tốn do năng suất bình quân còn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chất lượng không đồng đều, nên tính cạnh tranh chưa cao. Chính vì thế, theo định hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu mở rộng diện tích ngô để đạt 8,5 triệu tấn nhằm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, để tạo giống cây mới theo kỹ thuật truyền thống cần thời gian dài thông qua chọn lọc, lai tạo tự nhiên hoặc lai tạo theo chủ đích của con người. Trong đó, việc lai tạo chỉ xảy ra với cây cùng loài hoặc họ hàng gần. Nay, công nghệ sinh học có thể tạo ra các giống cây trồng mới mang gen từ các sinh vật khác loài. Điều này mở ra cơ hội tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mang các gen mới theo mong muốn của con người.
>>> Các tin tức liên quan:
- VNU – VSL: Nâng cao năng lực và kết nối cộng đồng khoa học
- VNU - VSL: Các hoạt động bám sát chiến lược chuyển đổi số
- VNU-VSL Writing Camp – Kết nối để phát triển
- VNU-VSL: Kết nối cộng đồng khoa học - Lan tỏa văn hóa nghiên cứu - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- VNU-VSL: Một năm thành công và thích ứng với đại dịch Covid
(Trích tại Tạp chí VNU, VSL-Workshop 5: Sinh vật biến đổi gen và cuộc sống | ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI (vnu.edu.vn))