Buổi nói chuyện của TS. Ngô Tự Lập – Viện trưởng IFI tại VSL-TALK 12 đã mang tới nhiều kiến thức và thông tin thú vị về những điểm nổi bật trong tư tưởng của người Việt. Sự kiện có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện các Ban thuộc ĐHQGHN và hàng trăm người tham dự sự kiện trực tuyến qua ứng dụng Zoom meeting và thông qua livestream trên kênh Fanpage VSL.
Tại VSL-TALK 12, ông Ngô Tự Lập đã chia sẻ những nghiên cứu và góc nhìn của mình về việc khái quát hóa truyền thống tư tưởng của Việt Nam - một cộng đồng đa chủng tộc với 54 ngôn ngữ và truyền thống văn hóa khác nhau. Ông cũng nêu bật câu hỏi quan trọng rằng “Liệu có hay không cái gọi là tư tưởng Việt Nam, khi trong suốt lịch sử văn hiến hàng ngàn năm, người Việt không có những công trình triết lý - tư tưởng của riêng mình?”. Định danh, đến cuối cùng, cũng là để nêu bật đặc sắc tư tưởng của người Việt.
Vấn đề tư tưởng Việt Nam không phải là chưa bao giờ được đặt ra. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các tác giả chỉ đề cập đến tư tưởng Việt Nam như là một phần của những công trình về văn hóa, lịch sử hoặc lịch sử văn hóa, của các học giả tiền bối, như Đào Duy Anh, Nguyễn Hồng Phong, Cửu Long Giang, Toan Ánh, Kim Định… cũng như các tác giả gần chúng ta hơn như Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng, Phan Ngọc… Trong một số công trình khác, việc nghiên cứu tư tưởng Việt Nam bị đồng nhất với sự nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài.
Sau phần trình bày về định danh tư tưởng Việt Nam, ông Ngô Tự Lập và TS. Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên Việt Nam học, Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN đã có những trao đổi chuyên sâu và giải đáp các câu hỏi của khán giả tham dự trực tuyến xoay quanh chủ đề này.
Một số hình ảnh tại sự kiện VSL-TALK 12: