Ngày 28/02/2024, tại Hòa Lạc, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã có buổi tiếp và làm việc với ông Anders Karlsson, Phó chủ tịch mạng lưới Chiến lược toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương, Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng Tạp chí nghiên cứu Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Tham dự buổi làm việc, về phía ĐHQGHN có Tổng biên tập Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (JSAMD) Nguyễn Hữu Đức, lãnh đạo Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Nhà xuất bản ĐHQGHN, Ban Khoa học - Công nghệ.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, đã giới thiệu về tiềm lực, các hoạt động nổi bật và chính sách KHCN của ĐHQGHN. Thời gian qua, tiềm lực KH&CN ở ĐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển với hơn 200 phòng thí nghiệm gồm 11 phòng thí nghiệm trọng điểm, 36 nhóm nghiên cứu mạnh. Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn. Trưởng ban Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất một số hợp tác tiềm năng với phía Elsevier bao gồm phối hợp trong công tác xuất bản, hỗ trợ khai thác cơ sở dữ liệu khoa học và hỗ trợ phát triển các tạp chí chuyên ngành kinh tế, xã hội của ĐHQGHN.
ĐHQGHN cũng đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động KHCN như: hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, phát triển doanh nghiệp spin-off, xây dựng các Hub đổi mới sáng tạo; chính sách thu hút và trọng dụng nhà khoa học trình độ cao, cử các nhà khoa học trẻ đi đào tạo tại nước ngoài; thúc đẩy hỗ trợ công bố quốc tế và phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích (patent), phát triển các hoạt động chuyển giao và
thương mại hoá, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, gia tăng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia (chips, bán dẫn, hydrogen, công nghệ sinh học, y-dược, khoa học biển,…); gia tăng các nguồn lực phục vụ hoạt động KHCN; thúc đẩy hợp tác và đồng tài trợ nghiên cứu, phân cấp quản lý và quản trị nguồn lực cho các đơn vị theo mô hình song phương và đa phương các nguồn lực…
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ĐHQGHN đã hợp tác rất thành công với Elsevier trong công tác phát triển tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến đạt chuẩn Q1 với Impact factor cao. Hiện nay, ĐHQGHN đang có nhiều chuyên san tiềm năng khác mong muốn tiếp tục được phối hợp với Elsevier để nâng cấp phát triển thành tạp chí đạt chuẩn quốc tế. Trong giai đoạn mới, ĐHQGHN sẽ tiếp tục tập trung phát triển nghiên cứu về Việt Nam học, một hướng đi mới nhiều tiềm năng, nằm trong chiến lược của Chính phủ về việc mang các thông tin của Việt Nam ra thế giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho biết, để hướng tới mục tiêu vào Top 500 các đại học hàng đầu thế giới, ĐHQGHN hiện có nhiều giải pháp nhằm tăng cường chỉ số ảnh hưởng của KH&CN. Trong đó, ĐHQGHN tập trung nâng cao hiệu quả và nguồn lực cho hoạt động KH&CN, bao gồm nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường số lượng và chất lượng công bố quốc tế, xuất bản quốc tế; tập trung cho các lĩnh vực xuất sắc về các sản phẩm công bố đỉnh cao; tập trung đẩy mạnh số lượng nghiên cứu các ngành khoa học mới nổi, ngành xã hội và nhân văn.
Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt phải kể đến thành tựu về KHCN. Khuyến khích các nhà nghiên cứu công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế đang trở thành xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và nâng cao chất lượng của khoa học và giáo dục đại học Việt Nam. Với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, lãnh đạo ĐHQGHN luôn quan tâm tới chất lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế, cùng với đó là thiết lập quan hệ hợp tác với các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các nhà xuất bản lớn trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn mong rằng Nhà xuất bản Elsevier sẽ hỗ trợ ĐHQGHN trong quá trình xuất bản các bài báo/ấn phẩm khoa học. Hai bên cũng có thể đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về công tác xuất bản, với sự tham gia từ các chuyên gia và học giả của Elsevier và quốc tế. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Elsevier trong khai thác cơ sở dữ liệu của nhà xuất bản này nhằm hỗ trợ các nhà khoa học của ĐHQGHN trong công tác nghiên cứu và xuất bản.
Ông Anders Karlsson chia sẻ, Elsevier là nhà xuất bản học thuật và công ty phân tích thông tin hàng đầu thế giới, được Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ KH&CN mời tham gia hội nghị chuyên đề mở liên quan đến việc Việt Nam xây dựng khung khổ nghiên cứu xuất sắc nhằm hướng dẫn đánh giá khả năng nghiên cứu và phân bổ nguồn lực. Elsevier đã tham gia đóng góp, xây dựng Khung đánh giá nghiên cứ
u ở Anh, Úc, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản…. Elsevier mong muốn tìm hiểu về các ưu tiên của ĐHQGHN trong hoạt động nghiên cứu và chia sẻ một số chỉ số phân tích về công bố và xếp hạng của ĐHQGHN.
Theo số liệu của Elsevier, ĐHQGHN có hơn 6500 ấn phẩm học thuật trong giai đoạn 2018-2023, trong đó, hơn 50% là đồng tác giả quốc tế và được trích dẫn trung bình cao hơn 45% so với mức trung bình của thế giới. Ông Anders Karlsson bày tỏ, Elsevier đánh giá cao về chất lượng các công bố của ĐHQGHN, đặc biệt là các nghiên cứu hướng tới các Mục tiêu bền vững (SDGs) bao gồm SDG1, SDG6, SDG8, SDG 10-15. Từ các số liệu này đã khẳng định hoạt động nghiên cứu của ĐHQGHN góp phần đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Ông Anders Karlsson cho biết, Elsevier mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác với ĐHQGHN để tăng cường hoạt động nghiên cứu của ĐHQGHN, đồng thời hy vọng hai bên có thể thực hiện ký kết văn bản hợp tác trong thời gian tới để làm cơ sở triển khai các chương trình, dự án cụ thể.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện phía Elsevier cũng đã có chuyến thăm khu Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Tạp chí Khoa học: Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (JSAMD) của ĐHQGHN được thành lập năm 2016 và hoạt động xuất bản dựa trên Thỏa thuận hợp tác xuất bản giữa ĐHQGHN và Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Từ khi thành lập cho tới nay, JSAMD luôn đạt được các thành tích cao, là tạp chí khoa học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được chỉ mục vào cả hai cơ sở dữ liệu Web of Science và SCOPUS. Đặc biệt, JSAMD được xếp hạng Q1 ở tất cả các lĩnh vực và lọt top 25% những tạp chí khoa học tốt nhất thế giới. Chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor - IF) năm 2022 của JSAMD là: IF=8.0. Trong quá trình phát triển của JSAMD, ĐHQGHN và Elsevier đã ký kết những Thỏa thuận hợp tác xuất bản với các điều khoản được điều chỉnh phù hợp với kế hoạch phát triển và tình hình thực tế. Cụ thể, đã có 03 Thỏa thuận hợp tác xuất bản trong các giai đoạn 2016-2021, 2022-2025 (áp dụng tới 2023) và mới nhất là 2024-2028 đã được ký kết.
|
(Trích từ VNU Media, ĐHQGHN và Nhà xuất bản Elsevier hợp tác thúc đẩy quá trình xây dựng tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế)