ĐHQGHN phối hợp với các đối tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn

Tin tức 23/05/2024
Ngày 22/5/2024, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chủ trì buổi làm việc về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Cùng dự có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, lãnh đạo các ban chức năng, lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Việt Nhật, Trường Quốc tế, Viện Công nghệ thông tin.
Đảng và Nhà nước đã xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về đào tạo nguồn nhân lực. Quan điểm xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là nguồn nhân lực, động lực cho phát triển. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược ưu tiên, trong đó phát triển khoa học công nghệ cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành phụ trợ khác.
Lĩnh vực công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực liên ngành của nhiều ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật khác nhau: vật lý bán dẫn, điện tử học, vi điện tử và công nghệ vi mạch. Nhân lực thiết kế vi mạch đòi hỏi tư duy thiết kế, tư duy giải quyết vấn đề thay vì chỉ hiểu và nắm bắt nguyên lý hoạt động của hệ thống. Do tính chất liên ngành và yêu cầu cao về chất lượng, ĐHQGHN là một trong các đơn vị tiên phong của Việt Nam có năng lực tham gia và dẫn dắt hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển ứng dụng liên quan bao gồm cả công nghệ thiết kế, chế tạo vi mạch và cả những công đoạn sau đó như đóng gói, kiểm thử và ứng dụng.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hàng năm, ĐHQGHN cung cấp khoảng 1.200 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần. Tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này tại ĐHQGHN vào khoảng trên 12.000. Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN tốt nghiệp các chương trình này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
ĐHQGHN hiện có 09 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực này. Định hướng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tại ĐHQGHN tập trung vào triển khai các mô hình hệ thống trên chip IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đô thị thông minh và xã hội số, chuyển đổi số, nông nghiệp số. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến việc thiết kế các chip bảo mật ứng dụng trong an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia thông qua các hợp tác nghiên cứu với Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự.
Bên cạnh công nghệ thiết kế, với truyền thống và thế mạnh về vật lý, hóa học, lĩnh vực chế tạo bán dẫn cũng được các nhà khoa học ĐHQGHN quan tâm trong hàng chục năm qua với một số sản phẩm công nghệ vật liệu màng mỏng, công nghệ cảm biến hồng ngoại, công nghệ cảm biến từ trường…
Với thế mạnh về khoa học cơ bản, khoa học vật liệu, không gian mới tại Khu đô thị Hòa Lạc, ĐHQGHN có cơ hội và tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn nói riêng và các lĩnh vực công nghệ cao nói chung, xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo và nghiên cứu về vi mạch tích hợp bán dẫn trong lộ trình triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại buổi làm việc với ĐHQGHN ngày 14/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ĐHQGHN cần đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn lưu ý, các đơn vị đào tạo cần chú trọng gắn kết với doanh nghiệp cũng như với các đơn vị đào tạo khác để có cơ chế đặt hàng cũng như đầu ra của sản phẩm đào tạo. Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác lâu dài.
Lãnh đạo các đơn vị đào tạo cũng trao đổi các nội dung liên quan đến đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên chuyên ngành công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch và nghiên cứu mở thêm các ngành đào tạo hoặc cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo về công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch trong các ngành đào tạo phù hợp hiện có; cơ chế đặc thù; hệ thống giáo trình giảng dạy bản quyền nước ngoài; đào tạo kỹ năng chuyên sâu trong từng công đoạn của chuỗi công nghiệp bán dẫn…
Người học theo học các chương trình đào tạo cho ngành công nghiệp bán dẫn được thực hành trong các phòng thí nghiệm với thiết bị hiện đại, giúp sinh viên làm quen với quy trình sản xuất và kiểm tra vi mạch. Giảng viên tham gia giảng dạy là những chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành công nghiệp bán dẫn và có bằng cấp cao từ các trường đại học uy tín. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, giúp ngành này có thể cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.
Theo kế hoạch, ĐHQGHN là một trong 4 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, cùng với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, ĐH Đà Nẵng và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn phát triển và tạo đột phá cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo dự thảo Đề án, mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn có trình độ từ đại học trở lên với cơ cấu như sau: Theo trình độ chuyên môn: 500 tiến sĩ, 7.500 thạc sĩ và 42.000 kỹ sư. Theo các công đoạn: 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

(Trích từ VNU Media, ĐHQGHN phối hợp với các đối tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn)

 

Tin tức liên quan

Đăng ký tư vấn dịch vụ

Chào bạn. 👋 Hãy để lại thông tin của bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ cho bạn trong thời gian sớm nhất.